0
Từ xưa người Việt Nam rất coi trọng tết đầu năm và gọi là Tết Cả (Tết lớn) để phân biệt với các Tết nhỏ còn lại. Thời giao lưu với Trung Hoa, Tết được gọi theo âm Hán – Việt là Tết Nguyên Đán (nguyên có nghĩa là bắt đầu, đán là buổi sáng. Nguyên Đán là buổi sáng đầu năm). Đến thời giao lưu với phương Tây, Tết đầu năm được gọi là Tết Ta (đó là Tết cổ truyền của dân tộc) để phân biệt với Tết Tây.

Người Việt Nam không một ai lại hờ hững với Tết Nguyên Đán, bởi cái thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới không chỉ ở tiết trời xuân mà còn ở trong lòng người, trong mối quan hệ với thiên nhiên, gia đình và thời cuộc.
Tết Nguyên Đán theo phong tục của người Việt Nam, mọi nhà từ nông thôn đến thành phố, từ gia đình khó khăn đến khá giả trong ba ngày Tết ai ai cũng sắm sửa mọi thứ và bánh chưng cũng không thể thiếu được. Cái tết sẽ kém thi vị và ý nghĩa khi vắng bóng bánh chưng.
Bánh chưng là sản phẩm lâu đời của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Bánh chưng vừa bình dị, thân thiết với người Việt Nam, vừa thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa và thấm đượm triết lý âm dương, tam tài và ngũ hành.
Sự tích bánh chưng, bánh dày đã đi vào truyền thuyết của dân tộc từ thời vua Hùng thứ 18, nó chứa đựng tâm tình quê hương, ruộng đồng. Đó là thứ bánh thơm ngon được dâng lên cúng tổ tiên và cũng từ đó thành tục lệ hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên Đán mọi nhà đều có bánh chưng để thờ cúng.
Bánh chưng được làm từ sản phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi đó là: gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị (thảo quả, hạt tiêu, muối). Tất cả những thứ ấy được gói lại bằng lá dong hay lá chuối vuông vức và được cột bằng dây lạt mềm mại buộc chặt.
Bánh chưng trông đơn giản như thế nhưng thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa. Khi cắt bánh chưng ra, một tổng thể 5 màu sắc thật hấp dẫn: Màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối và chấm đen của thảo quả, hạt tiêu. Từ trong ra ngoài của chiếc bánh thể hiện triết lý âm dương, tam tài, ngũ hành. Năm màu sắc ấy tượng trưng cho ngũ hành trong triết lý phương Đông. Thủy (màu đen), hỏa (màu đỏ), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng). Ngũ hành tương sinh tương khắc hài hòa bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức ấy.

Màu vàng ứng với hành thổ trong thế đất vuông nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người. Trong chiếc bánh, hạt đậu vàng được đặt ở giữa làm nhân, bên cạnh thịt lợn đỏ hồng. Đây là hai cặp phạm trù âm dương hòa quyện vào nhau (hạt đậu: là sản phẩm từ thực vật, thể hiện văn hóa trọng tình, là âm; thịt heo: sản phẩm từ động vật, thể hiện văn hóa trọng động, là dương), chúng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Ngay trong đời sống thực vật và động vật đã có sự nương dựa vào nhau và chuyển hóa cho nhau. Thực vật là nguồn sống của động vật và ngược lại, chất thải của động vật lại là nguồn dinh dưỡng cho thực vật hấp thụ phát triển.
Bánh chưng còn thể hiện triết lý âm dương trong cách bố trí hình thể và nhân chiếc bánh. Bánh chưng hình vuông (là âm), bên trong nhân bánh hình tròn (là dương). Cùng bao bọc của nhân đậu, thịt heo (âm – dương) là màu trắng của nếp. Nếp – đậu – thịt heo (âm – dương – âm, thực vật – động vật – thực vật) tạo thành tam tài. Tam tài với 3 cặp phạm trù âm – dương: nếp – thịt heo (âm – dương), đậu – thịt heo (âm – dương), nếp – đậu (âm – dương, nếp được trồng dưới nước là âm, đậu trồng trên cạn là dương).

Từ âm dương, tam tài đã phát triển lên thành ngũ hành, đó là lạm bàn bản chất của bánh chưng. Ngay cả quá trình luộc bánh chưng cũng thể hiện triết lý ngũ hành: thủy, hỏa, mộc, kim và thổ. Khi nấu bánh phải dùng nồi kim loại lớn (kim), xếp bánh vào nồi rồi đổ nước (thủy) vào, lửa (hỏa) được đốt từ củi (mộc). Cả 5 yếu tố trên luôn bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau.

Chiếc bánh chưng trong tết cổ truyền của dân tộc là cả một quá trình tư duy độc đáo của cha ông. Nó không chỉ đơn thuần là vật chất, là loại bánh, là món ăn bình thường mà còn là văn hóa tinh thần chứa đựng triết lý âm dương sâu sắc, mang đậm nét của tính tổng hợp, tính cộng đồng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Bánh chưng là biểu trưng của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta cần giữ gìn và phát huy vị thế của nó trong ngày Tết.

Post a Comment

 
Top