1
Truyền nghề cho thế hệ mai sau để chữa bệnh cứu người
 

Ở thôn Yên Sơn xã Ba Vì huyện Ba Vì (Hà Nội) có đến hơn 80% số hộ gia đình có nghề bốc thuốc từ chính những loài thảo dược lấy được ở trong rừng, trong đó các hộ đồng bào Dao làm nghề này là chủ yếu.

Cô Lan (giữa) cùng với mẹ đẻ và chồng hàng ngày bốc thuốc
Đây là nghề gia truyền được hình thành từ bao đời nay của người Dao quần chẹt, do điều kiện sinh sống luôn gắn bó với rừng, phải tự bảo vệ vệ sức khoẻ cho mình và bảo vệ sức khỏe cho bà con thôn bản, trong đó có gia đình cô Triệu Thị Lan, một gia đình  đã nhiều đời nay nối tiếp nhau làm nghề bốc thuốc đã có tiếng ở trong vùng.
Từ ngày còn nhỏ cô Lan đã được cụ nội rồi sau là mẹ đẻ cho đi rừng hái thuốc. Mỗi buổi đi rừng là một bài học thực tế rất bổ ích và sinh động cho cô về các loại cây dùng để chữa bệnh như: dây cốt khí dùng để chữa đau lưng; cây dành dành, cây mía dò dùng để chữa đau thận; cây gió đen, cây dạ cẩn dùng để chữa dạ dày; cây đu đủ rừng dùng để chữa đau đầu…Lá thuốc được hái về nhiều nhất vào tháng 7, tháng 8 đem phơi khô rồi bọc gói cẩn thận để dùng dần cho tới tận năm sau. Từ ngày hạ sơn xuống núi về sinh sống ở đây theo chủ trương của Đảng, Nhà nước việc tìm mua và hái thuốc cũng phải đi xa hơn ở mãi tân Sa Pa (Lào Cai), Yên Bái, Phú Thọ.

Cô Lan đang giới thiệu loài cây rừng làm thuốc
 Rót nước mời khách cũng là thứ nước được nấu từ lá thuốc hái ở rừng luôn được cả nhà uống hàng ngày để tiêu độc, mát da mát thịt, dễ ăn dễ ngủ, giảm căng thẳng mệt mỏi, cô Lan cho biết: gia đình cô có thể bốc được 300 bài thuốc chữa nhiều loại bệnh khác nhau có công hiệu tốt như chữa dạ dày, đau khớp, đau lưng, phù thận, đau đầu, chữa gan,  thoái hóa cột sống, mỡ máu, huyết áp… thuốc được bốc thành từng thang có thể sắc hoặc đun sôi để uống thay nước hàng ngày.
Bà con trong vùng vẫn còn nhớ mãi về anh Hiền ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bị xơ gan cổ trướng giai đoạn đầu làm bụng luôn trướng to, nhưng khi được mách uống ba thang thuốc do cô Lan bốc thì bệnh đã thuyên giảm, uống 17 thang thì khỏi hẳn, đi lại làm ăn bình thường. Còn chị Hạnh đang có thai thì bị phù thận, nếu dùng thuốc tây thì sẽ ảnh hưởng làm trụy thai, sau một thời gian đắn đo cân nhắc chị Hạnh đã quyết định dùng thuốc nam của cô Lan bốc được 10 thang thì bệnh phù thận không những khỏi hẳn mà chị còn giữ được cả em bé trong bụng. Tiếng lành đồn xa, bà con từ nhiều vùng và các tỉnh lân cận đã tìm đến bà lang Lan để bốc thuốc và đã được chữa khỏi bệnh.

Cô Lan hướng dẫn con trai về từng loài cây thuốc trong vườn nhà
Trong mảnh vườn trước nhà rộng gần 200 mét vuông, được gia đình cô dùng toàn bộ để trồng dễ đến 60- 70 loài cây thuốc các loại. Mẹ đẻ cô Lan là cụ Dương Thị Nội trước cũng là bà lang có tiếng trong vùng, sau đã truyền nghề lại cho các con nối nghiệp. Năm nay cụ Nội đã sang tuổi 83, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường, chân vẫn đi lại nhanh nhẹn, da nốt vẫn còn hồng hào lắm. Có lẽ chính nhờ vào nghề thuốc trong tay nên tuy tuổi cao và phải vất vả nuôi dạy 9 người con trưởng thành nhưng đến nay cụ vẫn còn mạnh khỏe lắm, hàng ngày cụ vẫn làm măng đem ra chợ bán như một lẽ thường tình mà chẳng biết đau ốm là gì cả.
Hiện nay, tiếp nối truyền thống do cụ và mẹ để lại cô Lan đang truyền nghề cho con dâu và con trai, nhưng hàng ngày cô vẫn không quên hướng dẫn cho cả hai cô cháu nội mới 5 và 8 tuổi tập làm quen dần với các vị thuốc. Bởi theo cô, truyền nghề cho con cháu cho thế hệ trẻ mai sau để chữa bệnh cứu người là bổn phận và là nét đẹp văn hóa của người Dao ở vùng núi Ba Vì này.

Post a Comment

 
Top